Trần Đình Hòa và đường đến ngôi vô địch billiards ASIAD

Lần đầu tiên dự một đại hội thể thao lớn như ASIAD, tay cơ 49 tuổi Trần Đình Hòa đã đoạt ngay chiếc HC vàng quý giá. Từng trải qua nhiều khó khăn và cả thất bại, anh đã có những kinh nghiệm quý giá để đi tới thành công hôm nay.
 
Hiếm có người nào đam mê billiards như Trần Đình Hòa. “Khoảng giữa thập niên 60, tôi từ quê (xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa) ra thị xã Quảng Ngãi và theo học lớp 6. Hồi ấy, tôi chơi mấy môn thể thao nhưng mê nhất vẫn là billiards. Gia đình không khá giả nên tôi chẳng có tiền, đành phải đứng nhìn người khác chơi suốt cả năm trời. Không ngờ những đường cơ đó đã ăn vào tiềm thức và giúp tôi rất nhiều khi chính thức cầm cơ vào năm 1967. Một lần thua, không đủ trả tiền bàn nên đã bị chủ bàn siết đôi dép Lào. Thời đó, học trò nghèo như tôi mà có đôi dép Lào là ngon lắm… Vừa học chữ, vừa luyện cơ trong lúc rảnh rỗi. Đến năm 1970, tôi bắt đầu nổi tiếng”, anh tâm sự.

Sau ngày đất nước thống nhất, Trần Đình Hòa trở về quê “vui thú” ruộng vườn một thời gian rồi lại trở ra thị xã làm công nhân cho HTX sản xuất mành trúc. Vì cuộc sống gặp nhiều khó khăn, theo lời một số bạn bè rủ rê, tháng 3/1980, anh vào TP HCM lập nghiệp. Ba tháng sau, vợ anh cũng xin nghỉ dạy, cùng hai con dắt díu nhau theo vào…

Những năm tháng vật lộn mưu sinh

Chân ướt chân ráo đến nơi đô hội, Trần Đình Hòa phải vượt qua nhiều khó khăn để lo đủ tiền thuê nhà, cho con cái ăn học… Ban đầu, anh làm công cho một xưởng sản xuất bánh kẹo ở quận 6. Thu nhập không đủ sống, anh bỏ nghề, đi thu mua hàng hóa phân phối rồi đạp xe bỏ mối cho các tiệm bán lẻ, mỗi nơi vài hộp sữa, vài gói thuốc lá… Trên đường đi giao hàng, anh thường tranh thủ làm “vài cơ” cho khỏi “lụt nghề”, từng bước thâm nhập vào lối đánh điệu nghệ của dân Sài Gòn. Khoảng năm 1982, anh được Vũ Đình Lập đưa đến một điểm chơi billiards trên đường Trần Bình Trọng (quận 5). “Đứng xem các bậc đàn anh đi một serie vài trăm điểm, tôi mới sáng mắt, vì lúc còn ở quê nhà tôi không tin chuyện đọc báo chờ đối thủ đi đứt một đường cơ”.

Sau một thời gian vừa lăn lóc kiếm sống, vừa rèn luyện, học hỏi ở những bậc cao thủ, tháng 9/1990, Trần Đình Hòa thi thố tài năng tại giải billiards quận Bình Thạnh, và giành ngôi vô địch thể loại tự do. Anh cho biết: “Cuối năm 1983, nhờ tảo tần buôn bán nên chúng tôi cũng dành dụm được chút ít, về quê mượn thêm bà con, mua được căn nhà trệt, lợp tôn (khoảng 20 m2) trong con hẻm trên đường Lê Quang Định. Để sống bằng tay cơ của mình, tôi hướng dẫn cho những ai muốn nâng cao trình độ, cố vấn cho các CLB, hay hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu mua bán bàn billiards”.

35 năm chung thủy với billiards tự do (billiards libre)

Thể loại billiards tự do thuộc loại “đồ cổ” vì người theo đuổi nó ngày càng ít dần. Ngay tại các đại hội thể thao, người ta cũng chỉ tổ chức ba băng, snooker, billards Anh… chứ hiếm khi tổ chức nội dung tự do. Sau thành công của Lý Thế Vinh tại SEA Games 19, nhiều người khuyên Trần Đình Hòa chuyển qua billiards ba băng, nhưng anh khẳng định thà chơi loanh quanh ở nhà cũng được chứ quyết không xa billiards tự do.

Vươn lên vị trí số 1 Việt Nam về thể loại billiards tự do

Tháng 9/1997, trong giải toàn thành nhằm rà soát lại những VĐV đi dự SEA Games, anh đã thắng Lý Thế Vinh ở tứ kết thể loại tự do. Quá vui mừng và thỏa mãn trước chiến thắng này, anh để thua Trần Văn Sang ở bán kết rồi thất bại luôn trong trận tranh hạng ba. “Đó là một kỷ niệm buồn và rất thấm thía, vì đã bước vào con đường billiards nghệ thuật, cơ thủ không được phép thỏa mãn với chính bản thân mình bởi nghệ thuật không có giới hạn. Vả lại, khoảng cách giữa người xếp hạng ba và hạng bốn rất rõ rệt. Hạng ba được đứng trên bục nhận huy chương, còn hạng bốn thì có ai nhắc đến tên của mình đâu”.

Cũng từ kỷ niệm chua xót này, Trần Đình Hòa cố công rèn luyện nhiều hơn. Anh tìm hiểu lối đánh của Ananta (Indonesia), tay cơ số 1 Đông Nam Á, qua Lý Thế Vinh, rồi dành khoảng 8 tháng âm thầm tự luyện, kết hợp lối đánh của Ananta và của mình, hình thành lối đánh riêng khá toàn diện… Tuy nhiên, trước khi trở thành cơ thủ thể loại tự do số 1 Việt Nam (ghi 400 điểm không quá 10 đường cơ) từ năm 1999 đến nay, Trần Đình Hòa còn vấp ngã thêm một lần nữa tại giải thi đấu hữu nghị giữa các tay cơ Đà Nẵng và TP HC, diễn ra tháng 3/1998. Anh hồi tưởng: “Ở giải diễn ra ở Đà Nẵng, tôi bị Thái Quốc Vinh (xếp hạng thấp nhất của đội bạn) loại ngay trận đầu tiên. Đánh xong trận đó, tôi xuống tinh thần và phải nhờ hai đồng đội dìu vào phòng nghỉ. Nguyên nhân dẫn đến thất bại là do tôi hoảng sợ trước bàn billiards loại lớn 1,42 m x 2,84 m (mới có ở nước ta từ cuối năm 1997) nên bị “xệ cơ”. Cũng nhờ trận thua này, tôi chú ý rèn luyện thêm tinh thần thoải mái trong thi đấu và giành được một vài kết quả như ngày nay”.

Trước khi lên đường tham dự ASIAD 14, Trần Đình Hòa nói: “Tính theo tuổi ta, năm nay tôi đã bước vào “ngũ thập tri thiên mệnh”, nên chuyến xuất ngoại lần đầu tiên này cũng có thể là cơ hội cuối cùng, vì billiards chỉ được tổ chức thi đấu khi nó là thế mạnh của nước chủ nhà. Thế nên, tôi đã chuẩn bị chu đáo và quyết tâm không để vuột mất thời cơ này”…

Còn sau khi nhận HC vàng, anh đã phát biểu với giọng nói nghèn nghẹn nước mắt: “Thật sự, tôi chẳng có kinh nghiệm gì. Mới lần đầu thi đấu quốc tế nên không được mọi người đánh giá cao. Chính vì thế mà tâm lý của tôi thoải mái, chơi tự tin”.

Menu